Bão số 16 vào Biển Đông, đe dọa Nam bộ
Hiện tượng La Nina hoạt động và còn kéo dài trong 3 tháng tới, những hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra nhiều nơi trên cả nước ta.
Đặc biệt là cơn bão Tembin (bão thứ 27 trên tây Thái Bình Dương) ngày thứ bảy sẽ vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 16. Bão có diễn biến dị thường như cường độ ngày càng mạnh lên, di chuyển nhanh và đổi hướng tây tây bắc (hiếm có vào cuối mùa, do không khí lạnh ở phía bắc tăng cường yếu và lệch ra phía đông khi bão hoạt động trên nam Biển Đông).
Dự kiến bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa rồi tiến vào đất liền Nam bộ trong chiều tối và đêm 25.12.
Như vậy, có thể thấy rõ trong hơn 20 năm gần đây kể từ cuối năm 1997, ngày càng có bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động vào cuối mùa, đe dọa các tỉnh miền Nam và vùng biển phía nam một cách thường xuyên hơn, gần đây nhất là cơn bão Durian (bão số 9) đã đổ bộ vào Phú Quý, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre rồi đi qua các tỉnh ĐBSCL ngày 5.12.2006.
Ngày 1.4.2012, cơn bão trái mùa một cách dị thường Pakhar (bão số 1) gây thiệt hại cho TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và các vùng lân cận.
Trước đó, cơn bão mạnh Linda (bão số 5) đổ bộ vào Cà Mau ngày 2.11.1997 đã tàn phá miền Nam với 3.000 người chết và mất tích. Điều này cho thấy tần suất bão vào miền Nam tăng lên và bão có hoạt động phức tạp về cường độ, hướng di chuyển nên công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn hơn.
Thời tiết trong hai ngày cuối tuần trên cả nước hầu hết ít mưa, khá đẹp trong đêm Giáng sinh 24.12. Miền Bắc và miền Trung còn rét, miền Nam trời lạnh, nhiệt độ tăng nhẹ so với những ngày vừa qua. Sau đó, từ ngày 25.12 cho đến 26.12, bão số 16 sẽ gây đợt mưa trái mùa ở các tỉnh nam Trung bộ, Tây nguyên và nhất là các tỉnh Nam bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp, gió rất mạnh, đổi chiều do xoáy bão, giông tố, lốc xoáy và mưa to đến rất to, sau đó bão sẽ suy yếu từ đêm 26.12, ngày 27.12 mưa sẽ giảm hẳn cho đến hết tuần sau.
Miền Trung cũng có mưa trong ngày 25.12 từ Quảng Trị đến Bình Định, sau mưa sẽ tăng dần từ chiều tối 26 đến 28.12, vùng mưa mở rộng từ phía đông Bắc bộ, bắc Trung bộ cho đến Phú Yên, có thể mưa to ở các tỉnh giữa miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi do các nhiễu động thời tiết xấu trên cao. Miền Bắc tiếp tục rét đậm rét hại nhưng nhiệt độ có tăng nhẹ so với đợt vừa qua, thấp nhất từ 9 - 12 độ C, vùng núi cao trên 1.500 m như Mẫu Sơn,
Sa Pa, Sìn Hồ, Pha Đin, Mù Cang Chải... có nơi tuyết rơi nhẹ và băng giá, sương muối với nhiệt độ ban đêm từ 2 - 6 độ C. Từ Thanh Hóa đến Huế 13 - 17 độ C. Vùng ven biển phía nam đèo Hải Vân, từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi 18 - 20 độ C nhưng có nơi mưa to và trời trở gió. Đề phòng khả năng xảy ra đợt lũ và sạt lở đất trong những ngày gần cuối năm. Tây nguyên có mưa trong hai ngày đầu tuần, trời rét 14 - 17 độ C và sương mù khá nhiều.
Miền Trung và miền Nam có mưa trong những ngày tới sẽ gây thiệt hại khó lường, nhất là các nhà vườn trồng mai tết, các loại hoa và cây ăn trái. Đối với miền Đông Nam bộ, mưa trái mùa với lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến cây điều, chôm chôm, sầu riêng, xoài có thể rụng bông do mưa ẩm và gió mạnh; bệnh thán thư trên cây tiêu, cà phê có thể tăng, cần tăng cường trừ nấm gây ra bệnh chết nhanh trên cây tiêu.
Trời lạnh và mù sương sẽ tăng khả năng gây hại do bệnh đạo ôn lá và cổ bông trên hầu hết các trà lúa đông xuân, lúa mùa. Ngoài ra, cần chú ý tháo nước chống ngập úng do mưa bão trong vài ngày tới.
Cũng cần chú ý, ngày cuối năm 2017 và những ngày đầu năm 2018, một đợt không khí lạnh tràn về với cường độ mạnh, trời rét sâu hơn và gió mùa đông bắc mạnh. Ngoài ra, có khả năng lại thêm một cơn bão hoạt động gần Biển Đông (vượt qua đảo Luzon, Philippines).
Theo thanhnien.vn