La Nina tiếp diễn, Nam Bộ cẩn trọng với mưa trái mùa
Theo nhận định mới nhất của các chuyên gia khí tượng thủy văn, La Nina yếu còn ảnh hưởng trong 4 - 5 tháng nữa. Do tác động của La Nina, phía Bắc cần đề phòng những đợt rét đậm rét hại kéo dài 7 - 10 ngày, Nam Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đề phòng mưa trái mùa trong thời gian tới.
Nguy hiểm mưa trái mùa
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nhận định mới nhất của các chuyên gia về tình hình khí tượng thủy văn đầu năm 2018 cho thấy, La Nina đã xuất hiện trong các tháng đầu năm 2018 và còn ảnh hưởng trong 4 - 5 tháng tới. Mặc dù đây là đợt La Nina yếu, nhưng sự có mặt của chúng đã và sẽ gây ra những tác động trong thời gian này và những tháng tới.
Hệ lụy nhìn rõ nhất của La Nina là mưa trái mùa ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Từ vài ngày nay, mưa trái mùa đã và đang xuất hiện dày đặc ở Nam Bộ và Tây Nguyên và còn tiếp diễn ở mức nghiêm trọng trong thời gian tới.
Nhiều người cho rằng, mưa trái mùa chỉ là mưa trong mùa khô (xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4 ở Nam Bộ và Tây Nguyên), thậm chí mưa trái mùa còn mang lại một lượng nước lớn cho mùa khô.
Thực tế, mưa trái mùa đem lại nhiều hệ lụy mà chúng ta ít ngờ tới, thậm chí các nhà khoa học còn xếp mưa trái mùa vào một dạng thời tiết nguy hiểm bởi những tác động xấu mà chúng gây ra cho sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, ở các vùng ven biển, mưa trái mùa gây hiện tượng ngọt hóa làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy hải sản (năm 2015, một trận mưa trái mùa lớn đã làm ngọt hóa nước biển ở Cà Mau, khiến bà con nuôi tôm và thủy hải sản mất trắng mùa).
Tương tự, mưa trái mùa cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng ở khu vực Tây Nguyên. Tại Tây Nguyên, các nguyên cứu đã chỉ ra, các cây công nghiệp như cà phê, ca cao… vào mùa khô cần được tưới nước ở dưới gốc chứ không phải được “giải hạn” bằng mưa trái mùa. Mưa trái mùa sẽ làm thui chột hoa, giảm khả năng đậu quả và rụng quả non.
Điều đáng nói, mưa trái mùa không có biện pháp gì để “chống”, vì vậy, cần chủ động đề phòng và thích ứng khi mưa trái mùa được dự báo còn xuất hiện nhiều trong thời gian tới.
Đề phòng dịch bệnh bởi rét ẩm
Cùng với mưa trái mùa ở miền Nam, do tác động của La Nina, miền Bắc cần đề phòng rét đậm, rét hại kéo dài trong 7 - 10 ngày. Sau mấy ngày nắng ấm vừa qua, dự báo ngày 25.1 một đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp sẽ xuất hiện. Điều đáng nói đợt rét có khả năng sẽ kéo dài từ cuối tháng Giêng sang đầu tháng Hai (dương lịch). Vì vậy, người dân cần có sự chủ động để tránh tình trạng sốc nhiệt khi ấm chuyển sang rét và rét kéo dài trong nhiều ngày.
Cùng với đề phòng rét đậm, rét hại kéo dài, thời gian này người dân Bắc Bộ cần đề phòng với rét ẩm (rét kèm theo mưa phùn và độ ẩm không khí cao). Điều đáng nói, rét, mưa phùn đặc biệt là kèm theo độ ẩm cao trong không khí khiến người dân luôn cảm thấy khó chịu, ngột ngạt. Đặc biệt, mưa phùn kèm độ ẩm không khí cao còn tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Các loại dịch bệnh như sởi, cúm, các bệnh về hô hấp... rất dễ gia tăng vào giai đoạn này. Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như cúm, sởi… rất dễ xảy ra.
Cẩn trọng với bão
Vào các năm xuất hiện La Nina, các nhà khoa học cũng ghi nhận bão lũ “hoành hành” dữ dội hơn. Các nhà khoa học lo ngại một năm bão lũ đầy phức tạp như năm 2017 có thể sẽ được lặp lại trong năm 2018.
Thông thường, tháng 1 rất ít khi có bão (trong 73 năm (1945-2018), trung bình cứ 2 năm mới có 1 cơn vào tháng Giêng ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương; và trên biển Đông như cơn số 1 này thì còn hiếm hơn, khoảng 10 năm mới có 1 cơn). Tuy nhiên, ngay đầu tháng 1/2018, bão đã xuất hiện, điều này cho thấy dấu hiệu của một năm mưa bão phức tạp.
Nguồn khampha.vn