TP. HCM Đẩy mạnh thực hiện Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
(TN&MT) - Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TP. HCM đã và đang tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nói riêng, từ đó góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Năm 2017, TP.HCM đã tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017 - 2020 bằng nhiều hình thức khác nhau; ổn định công tác thu gom, vận chuyển và xử lý 374 tấn/ngày chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; đảm bảo tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đạt 100%; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế bình quân 20,8 tấn/ngày đạt tỷ lệ 100%.
Thành phố cũng đã triển khai phân cấp cho 24 quận, huyện thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường kiểm soát tiếp nhận chất thải tại điểm hẹn, trạm trung chuyển và xử phạt vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ; lắp đặt thiết bị giám sát trên phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, tại các trạm trung chuyển và nhà máy xử lý chất thải rắn; duy trì tốt thu gom, vận chuyển, xử lý bình quân 8.715 tấn/ngày chất thải rắn đô thị, đạt tỷ lệ 100%.
Thành phố còn chú trọng hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn; xem xét ban hành quy định về quản lý chất thải rắn; kế hoạch thu gom vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải phát sinh thấp hơn 600kg/năm; kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp nghiên cứu các mẫu phương tiện thu gom chất thải rắn tại tại nguồn thay thế các phương tiện hiện nay không đảm bảo yêu cầu về môi trường.
Cùng với đó, ban hành và triển khai hiệu quả Danh mục các chương trình thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố năm 2017; tiếp tục tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; triển khai các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tổ chức tọa đàm “Chung sức xây dựng Thành phố không rác, Thành phố văn minh” nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao nhận thức về môi trường của người dân.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đã xử phạt 57 đơn vị vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản với số tiền 6,3 tỷ đồng; tổ chức thực hiện tốt các đợt giám sát, lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, giám sát hoạt động và cập nhật cơ sở dữ liệu thường xuyên của 16 trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp - khu chế xuất vào hệ thống thông tin môi trường.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã ký kết quy chế hợp tác với Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc giám sát, bảo vệ môi trường với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, bền vững. Đến nay, 100% khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, có hệ thống quan trắc tự động nước thải kết nối cơ sở dữ liệu với Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm mới phát sinh, hạn chế ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ thông qua các công cụ thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tham mưu ban hành các quy định về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nước ngầm, khai thác cát trên sông; hoàn thành và triển khai kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố; ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã và doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Ngoài ra, triển khai thực hiện quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn thải; xem xét lựa chọn và thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng các dự án xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố; tổ chức hội nghị sơ kết thí điểm và phổ biến kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thành phố.
Mặt khác, thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường tại các bãi chôn lấp, các khu liên hợp xử lý chất thải rắn, chương trình quan trắc thủy sinh, chất lượng nước mặt sông Sài Gòn, kênh rạch trên địa bàn Thành phố; duy trì hiệu quả hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau trạm xử lý tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; đẩy mạnh tiến độ hoàn thành việc lắp đặt các camera giám sát tại các trạm trung chuyển và nhà máy xử lý; hoàn thiện quy định quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn Thành phố.
Theo Tường Tú baotainguyenmoitruong.vn